Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

LẠI NHỚ TUYÊN

Cái này mình viết đã lâu rồi và gửi cũng lâu rồi. Đùng phát hôm qua nhận được báo biếu, sướng âm ỉ và lại thấy nhớ Tuyên. Cám ơn Long Hà- BTV Tạp chí Văn hóa quân sự- đã không quên tớ.
Cũng nói thêm là tờ Tạp chí này cũng hoành tráng lắm, về mọi nhẽ. Trụ sở 23 Lý Nam Đế- Hà Nội; Email: vanhoaquansu@gmail.com.
Và đây là nỗi nhớ của mình.




NỖI NHỚ THÀNH TUYÊN


   Đã thấy se se heo may về mấy ngày nay rồi. Thì đầu dốc kia quỳ đã nở vàng thế rồi cơ mà. Con đường vào trường cũng đã mịt mù bụi đỏ. Chiều nay chợt so cổ áo khi bất chợt một cơn gió khẽ ngang qua và vẫn còn kịp nhận ra trong đám sương mờ mờ phía trên đỉnh dốc vai áo ai đã thấp thoáng dải khăn màu hồng, và chắc cũng mỏng tựa màn sương đang giăng giăng vậy. Thế là đông đang tới và đương nhiên là xuân cũng sắp về rồi. Chẳng hiểu căn nguyên vì sao mà cứ đến những ngày cuối năm như bây giờ những người xa quê lại không khỏi bồi hồi nhớ quê, ít nhiều là nhớ về cái nơi đã gắn bó lúc đầu đời với bao kỷ niệm buồn vui, với những tháng ngày thơ ấu… Thì chính lúc này đây, tôi cũng là một trong những kẻ như vậy.

    Cũng đã mấy năm nay rồi tôi chưa được về Tuyên. Vâng, chưa được bởi không phải muốn về là về ngay được mà còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Gia đình này, công việc này..và tất nhiên cũng giống như nhiều người, đó là tiền bạc. Thử hỏi có mấy nhà mà cả hai vợ chồng là giáo viên tiểu học năm nào cũng có thể về quê được. Nói thật là cả năm tích cóp mọi khoản, về một cú là hết cái vèo, khi vào là phải còng lưng ra mà “cày”. Vậy nên nhớ thì lúc nào cũng nhớ, nhất là vào cái lúc này đây, khi mà cây đào tôi trồng năm ngoái sau khi chơi được một mùa Tết giờ đã trổ hoa khiến đã nhớ lại càng quay quắt nhớ. Cái nơi tôi sinh ra mà mọi người vẫn gọi với cái tên thân thương là Thành Tuyên ấy nằm bên bờ sông Lô quanh năm đỏ quạnh phù sa, lặng lẽ trôi về xuôi với bao thăng trầm dọc hai bên bờ khi lở khi bồi, đã gắn với tuổi thơ tôi những tháng ngày thật êm đềm. Thị xã Tuyên Quang, vâng, tôi vẫn thích gọi là thị xã như thuở nào dù bây giờ nó đã là thành phố rồi, nằm yên bình bên dòng Lô giang cũng bình dị như bao thị xã khác. Có thể nói gọn trong mấy chữ: nhỏ và  dốc . Một thị xã miền núi bao giờ cũng có cái chân chất của những gì giản dị nhất, mộc mạc nhất. Ở nơi ấy tôi có những người thân, những bạn bè thời phổ thông và có cả những câu thơ nhét vội vào cặp sách ai đó mỗi khi tan trường... Thực lòng mà nói thì Tuyên chẳng có gì là nổi bật cả nếu không có mấy cái địa danh lịch sử như cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái và di tích thành nhà Mạc mà mỗi lần có dịp về là tôi lại đứng ngẩn ngơ cố nhớ lại hình ảnh của cái cổng thành ngày nào tôi vẫn đạp xe qua mỗi sáng, bởi bây giờ nhìn nó chẳng khác nào…cái lò gạch giữa phố thị. Và còn có một lí do nữa khiến người ta biết đến Tuyên Quang nhiều hơn là miền gái đẹp. Hình như có ai đó đã từng ví Tuyên Quang như là một Venezuela thu nhở bởi có nhiều người đẹp đoạt những danh hiệu cao ở các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Thế nên có câu “chè Thái gái Tuyên”. Nhưng cũng thật lòng mà nói, giả sử như bây giờ người ta lấy bất kì ở mỗi tỉnh chừng chục cô gái đang đi trên đường mà đem “so” với nhau thì chưa chắc Tuyên đã hơn nơi khác. Nhưng ở Venezuela thì khác. Ở đó họ có những lò đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp và đã trở thành một ngành để cho đất nước họ mang danh là cường quốc về “gái đẹp” rồi. Vì thế mà cái lí do đó cũng chẳng phải khiến tôi nhớ Tuyên đến thế. Còn nhớ lần về trước ngồi bên bờ sông với lũ bạn thời cấp ba cũng chỉ còn có chục thằng cả giai lẫn gái, tôi đã nói trong cái tiếng thì thầm của gió dòng Lô buổi chiều đặc quánh heo may, tao đi xa đã đành vì hoàn cảnh gia đình tao nó thế, còn chúng mày sao cứ rủ nhau bỏ Tuyên đi hết vậy? Cả bọn ngẩn người nhìn nhau chẳng thèm uống nữa. Ừ nhỉ, có còn bao thằng ở nhà nữa đâu. Hai phần ba dân số của cái lớp 12 năm ấy đi hết rồi. Đa số học xong đại học là bám lại ở Hà Nội luôn. Thằng nào thức thời thì nhảy lên Hà Giang chớp thời cơ tỉnh vừa mới tách. Còn có thằng đang là trưởng phòng ngon lành ở Ngân hành Nông nghiệp tỉnh hẳn hoi cũng cố xin nhập cho bằng được là công dân Thủ đô. Ơ thế ở Thủ đô oách thế cơ à? Oách thế mà sao hôm rồi tao điện thoại hỏi Tết này có về Tuyên không lại có thằng trả lời sao mày hỏi ngu thế, ở Thủ đô thì biết chơi Tết với ai, Tết ở đây buồn bỏ mẹ, nhà nào cũng đóng cửa, mãi mồng hai, mồng ba mới lò dò ra đường tí, về Tuyên sướng hơn nhiều. Tôi ngẩn người ngơ ngác, hay nhỉ, Tuyên sướng sao chúng mày cứ bỏ đi hết thế? Hình như có chút heo may nào đó bay lạc vào mắt tôi mà thấy cay cay…

   Cứ thử một lần đứng trên cây cầu Nông Tiến nhìn cái màn sương mỏng mờ là đà trên dòng nước mà xem, hẳn sẽ nhận ra ngay cái lí do đã khiến những kẻ đi xa như tôi nhớ Tuyên đến thế. Ở trong này tôi đã có dịp ngồi với một nhà thơ ở phố núi Pleiku, ông chưa một lần đến Tuyên nhưng chẳng hiểu sao ông thích Tuyên lắm. Thích đến nỗi ông có thể nghe “Sông Lô chiều cuối năm” cả ngày được, mà phải là đúng Doãn Tần hát và nghe online. Đôi khi bên ly rượu ông lại nhắc một câu thơ: “Tuyên có gì đâu mà sao ta nhớ thế”. Để đến vừa rồi thì ông cũng đã đến được với Tuyên trong chuyến đi tham dự Hội nghị những nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức tại Tuyên Quang. Ông kể rằng khi xe dừng lại cho đoàn các nhà văn nhà thơ trẻ tham quan tượng đài chiến thắng sông Lô, ông đã mở cho cả đoàn nghe bài hát này, cho dù là nghe qua chiếc điện thoại và khi đó mới thấy hết được cái nỗi đam mê với Tuyên đã cháy trong ông từ lúc nào. Lần đó tôi cứ hùi hụi tiếc vì không thể bám theo đoàn về Tuyên được. Ôi chao là nhớ khi ông bạn miên di đang đêm nhắn tin nào là đang đi dạo trên cầu, nào là đang quán cá trên sông. Nghe mà nhớ quá. Giá như về được thì chắc hẳn tôi sẽ đưa các bạn đi hết đêm với Tuyên, thật say với Tuyên, để cho Tuyên với các bạn thực sự là một kỷ niệm đẹp trong chuyến đi này.

   Còn điều này nữa xin được nói ra đây, rằng nếu như có thể cho tôi về với Tuyên, xong rồi thì tôi lại xin được ra đi bởi có thế thì nỗi nhớ Tuyên sẽ còn mãi mãi và có thế thì tôi mãi còn được nói câu: mai tôi về Tuyên, nhất định thế!

                                                          Những ngày cuối năm 2011
                                                                Nguyễn Minh Tuấn
(Ảnh trong bài lấy từ mạng. Thành thật xin lỗi tác giả bức ảnh này vì đã đăng khi chưa được phép- NMT)
* Bài đăng trên Tạp chí VHQS số 80- tháng 4/2012

4 nhận xét:

  1. Đang nóng bỏ mẹ đọc cái lày nại thấy rụt cổ so vai vì hình như ló nại dang xe xe nạnh. Thì lỗi nhớ lào trả thế, chú nhỉ, hơn lữa đây nại nà lỗi nhớ Tuyên. Chè Thái, gái Tuyên mà lị. Tự hào lắm quê ta. Hè này về ngó quê một tí đi.

    Trả lờiXóa