Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

THÂN THƯƠNG...BÁNH MÌ

Ừ thì chỉ là chiếc bánh mì thôi mà. Có gì đáng kể đâu.

THÂN THƯƠNG… BÁNH MÌ
                                            Tản văn

Chẳng biết từ bao giờ bánh mì đã trở thành một món ăn chẳng thể thiếu của người dân phố Núi. Từ tay chơi cự phách, những ông chủ giàu sụ, những quan chức cao sang đến những công chức mẫn cán, những cô cậu học trò, rồi những người bán vé số dạo, người lao công quét đường đêm đêm đều ít nhất đã một lần ghé lại bên đường mua lấy một ổ bánh mì cho qua cơn đói lòng nhỡ bữa.

Ừ thì chỉ là chiếc bánh mì thôi mà. Có gì đáng kể đâu. Ngày bé, đọc sách báo thấy ở trong Nam gọi là ổ bánh mì, đứa trẻ là ta đã tưởng tưởng ra chiếc bánh mì cực kỳ hấp dẫn, và ao ước có trong tay một ổ như vậy. Rồi thời gian cũng làm mờ đi những ước mơ con trẻ ấy. Để bất chợt sáng hôm nay, lặng lẽ vào cái quán nhỏ ven đường Thống Nhất, mua một ổ bánh mì nhân thịt, rồi cũng lặng lẽ ngồi nhấm nháp cái thứ quà sáng bình dân này để chợt nhận ra, à, có phải chăng bên trong nhát rạch dọc thân chiếc bánh kia là trọn vẹn những thảo thơm chua cay mặn ngọt của lát dưa leo mát dịu, dăm ba miếng chả thịt, một ít pa- tê đậm đà, xanh mướt hành ngò và sóng sánh xì dầu cùng cay nồng tương ớt mà như thể đã đong đầy những nhọc nhằn, bươn chải, những lo toan thường nhật. Ổ bánh mì, giản dị thế thôi nhưng cho ta nhiều lắm. Mới hôm xưa đây, ta đón người bạn vào trong này công tác. Từ máy bay bước xuống với comple, cà vạt, giầy tây bóng lộn và sẽ đến nhà hàng với bàn tiệc đang đón chờ. Ta vẫn dừng xe mua cho bạn một ổ bánh mì ăn lót dạ bởi kiểu gì lát nữa nó cũng sẽ phải uống trong khi bụng thì đang sôi. Ngồi sau xe máy bạn vừa ăn vừa xuýt xoa sao mà ngon thế. Ta tin là bạn nói thật bởi người như bạn chắc cũng lâu lắm rồi mới được xuýt xoa như thế.

Bây giờ ở cái phố Núi nhỏ xinh này cứ đi vài chục mét ta lại bắt gặp một hàng bánh mì. Có những chỗ như ngã ba Hoa Lư chẳng hạn, chỉ một đoạn thôi mà san sát gần chục hàng. Hay ở đường Trần Phú đã có hẳn một “siêu thị” bánh mì Tam Ba trở thành địa điểm quen thuộc của các bà, các mẹ ở huyện mỗi lần đi phố đều ghé lại mua dăm ba ổ về làm quà cho con cháu. Thôi thì đủ loại nhé. Bình dân thì có bánh mì nhân thịt, bánh mì pa- tê, bánh mì chả trứng. Hơn chút nữa thì có bánh mì xíu mại, bánh mì ốp la, bánh mì bò kho, rồi gần đây thôi xuất hiện thêm một vài loại để cho gia đình nhà bánh mì thêm đông đúc như bánh mì que, bánh mì Thổ Nhĩ Kì…Một bữa sáng ở nhà hàng sang trọng với dao nĩa sáng choang cũng vẫn có những chiếc bánh mì giản dị như thế. Một buổi sáng nào đấy ta lại thấy cô bạn cùng cơ quan bước vào phòng với chiếc bánh mì trên tay. Sáng cuối tuần nhóm bạn của ta tụ tập cà phê, có đứa khi đi vẫn nhớ ghé mua vài ổ mang tới cho mình và cho những người chưa kịp ăn sáng. Thật tiện lợi vô cùng.

Mập bán bánh mì trên đường Thống Nhất, nơi ta thỉnh thoảng lại ghé đổi bữa. Nhớ lần đầu ghé, và cũng là lần để lại cho ta ấn tượng về Mập. Mập có một bầy con cháu năm, sáu đứa lít nhít quây quanh Mập mỗi sáng. Vừa bán hàng vừa trông chừng chúng, Mập la chúng bằng những tiếng cười. Lần đó mua bánh mì của Mập ta thiếu hai ngàn vì không có tiền lẻ. Mập bảo để bữa sau trả đi cưng, Mập không rảnh để đổi tiền cho cưng đâu. Miệng nói, tay Mập vẫn thoăn thoắt làm bánh cho khách. Một phụ nữ khác cũng như ta, thiếu hẳn năm ngàn, cũng bữa sau ghé trả nghe Hai. Một cái bánh chắc lãi lời chỉ chừng đó. Nhưng để mua được niềm tin và nụ cười buổi sáng, chẳng ấm áp lắm sao. Và cái bánh tự nhiên ngon lạ.

Không tin, bữa nào bạn ghé thử đi. Bạn sẽ thấy ổ bánh mì không đơn thuần là cái bánh nữa. Bạn sẽ nhận được ở đó sự ân cần, chu đáo, từ que tăm, tờ giấy, đến nụ cười ấm áp của Mập. Và lúc đó, bạn sẽ cảm nhận được chiếc bánh mì trở nên thân thương đến nhường nào.

                                                           Nguyễn Minh Tuấn

* Bài đăng báo Gia Lai số cuối tuần 21/11/2015



1 nhận xét:

  1. Sao lão không kể có một đứa xa quê, lần nào về phố núi cũng tìm mua bánh mì ăn cho đỡ nhớ, cho đỡ cơn khát nhớ!
    Ngày nhỏ chỉ chờ mẹ đi chợ về là có bánh mì ăn. Bánh mì mẹ mua của một mế cạnh cổng bán than. Thơm ngon và êm dịu mãi cả một thời trẻ thơ. Ngày nọ biết tin mế già không còn nữa, xe bánh mì cũng theo mế về bên kia. Thương thương là!

    Trả lờiXóa