Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

ĐẾN NƠI XA LÂU THÌ...NHỚ!

    Với cái đầu húi cua, bụi bặm và chòm râu cằm rất…khó ưa, quần lửng áo thun trên chiếc Vespa sẵn sàng bỏ mặc hàng quán cho vợ, tay chủ quán này có thể lang thang ở bất kỳ đâu miễn là có người hợp “gu” với hắn. Cái “gu” ấy là văn, là thơ, là phê bình tiểu luận và…rượu. 
  
ĐẾN NƠI XA LÂU THÌ…NHỚ


      Ấy là tôi đang nhắc đến cái quán ăn nằm sâu trên con đường Nguyễn Thái Học ở cái thành phố nhỏ nhắn xinh đẹp này mà người ta hay nhắc nhiều đến cái tên “chè bà Dũng” hơn là cái tên quán “Ngói Nâu”. Nhưng ai đã một lần đến thì đều nhớ mỗi khi xa nó. Và tôi cũng là một trong những người như vậy.
    
    Quán không rộng lắm và cũng giống như bao quán ăn khác nhưng được thiết kế bởi người “có nghề” nên khá thoáng đãng và có nét. Khoảng sân trước cửa quán là nơi để xe của khách được lát đá sạch sẽ, luôn có một, hai anh chàng giữ xe nhiệt tình chào đón. Mái thì tất nhiên là lợp ngói và màu nâu rồi, như cái tên quán vậy. Trong quán chia làm hai tầng. Tầng dưới dành cho những người thích ồn ào, đông người với không gian mở có nước chảy, cây cảnh đủ màu sắc. Ở đây khách còn có thể ngồi ngắm vườn sầu riêng đang trổ hoa hoặc lúc lỉu trái khi vào mùa ở mảnh vườn kế bên. Nếu khách thích sự riêng tư gia đình hoặc bàn bạc kinh doanh, hoặc cũng có thể thích một không gian độc lập với một chút du dương, trữ tình của ghi ta thì bước lên cầu thang đến với tầng hai. Trên này được chia thành nhiều phòng nhỏ với số lượng từ sáu đến mười người với gam màu ấm cúng mang nét gia đình. Quán có thể đáp ứng nhu cầu của khách yêu nhạc với những tay ghi ta điêu luyện chơi những bản nhạc trữ tình. Mỗi phòng đều có từ một đến hai nhân viên phục vụ lúc nào cũng túc trực đáp ứng những nhu cầu của thực khách.
    
      Trong cái thời buổi nhà hàng, quán xá mọc lên như nấm sau mưa này, và nhất là đang trong thời kỳ “lạm phát”, “bão giá” thì việc làm cho quán có khách đến thường xuyên là một việc đòi hỏi người chủ quán phải biết tính toán, cân nhắc. Từ việc nắm bắt được nhu cầu về ẩm thực của khách để từ đó điều chỉnh thay đổi hay bổ sung cho phù hợp. Rồi đến khâu bài trí phòng ốc, bàn ghế, ánh sáng, cảnh sắc…tiếp đến là cung cách phục vụ, đáp ứng những nhu cầu nảy sinh của khách (nhu cầu tích cực, tất nhiên rồi) và cuối cùng là…lãi. Đã buôn bán là phải có lãi, không vì đồng lãi thì chẳng có ai điên gì mà buôn bán cả (cũng tất nhiên rồi). Trong cái đồng lãi thu được đó cũng phải tính toán đến nhiều thứ lắm. Này nhé: tiền vốn bỏ ra bao nhiêu này, tiền trả nhân viên này, tiền thuế này, tiền đầu tư lại này… thật là trăm thứ bà rằn chứ đâu có phải là cứ ra chợ mua đồ về xào xào nấu nấu lên đưa ra cho khách là đã trở thành quán đâu. Thế mới biết không phải ai cũng làm kinh doanh được. Hình như trong cái nghề kinh doanh ăn uống này mỗi nơi có một nét riêng, hay nói cách khác là có một cái mẹo để tạo nên cái dấu ấn riêng thì phải. Thì đã chẳng có biết bao nhiêu dấu ấn riêng tạo thành ‘thương hiệu” rồi còn gì. Ví như ở xa thì có lợn quay, phở chua Lạng Sơn, phở Lý Quốc Sư, cà phê Lâm Hà Nội, vào trong tí nữa thì bánh bèo, cơm hến, bún bò xứ Huế, ở Pleiku đây thì chẳng đã có cà phê Thu Hà, phở khô Ngọc Linh, Ngọc Sơn rồi còn gì…Ngói Nâu tuy chưa tạo ra dấu ấn riêng gì đặc sắc nhưng những ai đã đến thì ắt hẳn đã được giới thiệu và thưởng thức món tép Biển Hồ trộn kiểu salat rồi. Cái giống tép ở đây đến kỳ lạ. Cũng nhỏ như…mọi thứ tép khác vậy nhưng nó ngọt và thơm lắm chứ không khô và nhạt như tép ở nơi khác. Được trộn cùng với vài loại rau xanh, đặc biệt là rau má bỏ bớt cuống. Một chút chua, chút ngọt xen lẫn vị cay, bùi của nước trộn mắm chanh tỏi ớt được pha thật khéo với vị mát của các loại rau se sẽ nơi đầu lưỡi chính là cái nỗi nhớ mà thực khách ăn một lần rồi nhớ. Hơn nữa, nó là món khai vị rất được các tay nhậu thích để nhâm nhi trong khi chờ đợi những món khác. Thực đơn của quán dễ có đến trăm món. Thôi thì từ trên rừng xuống đến biển khơi, từ đồng bằng ngược lên miền núi, có cả những món đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em mà đậm nét nhất là các món bản địa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như heo sọc dưa, gà tre…được chế biến với các thứ nguyên liệu của núi rừng. Đơn giản chỉ là mắm thôi mà cũng dễ có đến hơn…chục món. Nào là mắm nêm, mắm ruốc, mắm thu, mắm sặc…Thôi thì trên đất nước này có bao nhiêu loại mắm thì ở đây hình như là có tất. Để có được cái “menu’ đặc sắc này, tay chủ quán cùng với đầu bếp trưởng đã làm một cuộc “giang hồ” từ Bắc xuyên Nam chỉ để “nếm” các món ăn và từ đó xây dựng thành một bản thiết kế hoành tráng cho Ngói Nâu bây giờ. Nghe đâu cuộc “giang hồ” đó cũng tốn kha khá tiền bạc với khoảng thời gian hơn hai tháng. Trong khoảng thời gian đó, quán đồng thời được tu sửa lại bề thế hơn và cũng đi đứt gần…tỉ bạc. Cũng vì cái tốn kém đó mà Ngói Nâu cũng đã có vài cái “lạ” mà trong đó dễ nhận thấy nhất là toilet treo toàn tranh Thái Phiên và cũng chỉ ở trong đó mới có…nhạc, mà toàn là nhạc trữ tình. Đến bây giờ thì quán đã hoàn chỉnh và ngày ngày đón khách rất đều.
    
      Tôi cũng mới biết đến Ngói Nâu qua mấy cuộc ngồi với chính tay chủ quán. Một thanh niên thuộc thế hệ 7x đầy chất nghệ sĩ cộng với máu kinh doanh đã kinh qua khá nhiều nghề trước khi dừng chân ở Ngói Nâu này. Với cái đầu húi cua, bụi bặm và chòm râu cằm rất…khó ưa, quần lửng áo thun trên chiếc Vespa sẵn sàng bỏ mặc hàng quán cho vợ, tay chủ quán này có thể lang thang ở bất kỳ đâu miễn là có người hợp “gu” với hắn. Cái “gu” ấy là văn, là thơ, là phê bình tiểu luận và…rượu. Cái tên miên di đã khá quen thuộc trong làng văn chương Việt Nam, nhất là trên Văn nghệ trẻ. Ngói Nâu của anh đã vinh dự được tiếp đón khá nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyên An, nhà thơ Đỗ Hàn…Chúng tôi quen nhau trong mái nhà văn học nghệ thuật Gia Lai để bây giờ tôi vẫn thầm cảm phục anh, một người trẻ luôn miệt mài với cái nghề kinh doanh đồng thời luôn miệt mài với cái nghiệp văn chương như đã vận vào anh, giúp anh giải tỏa những căng thẳng sau những bộn bề tính toán lo toan, và chính nó đã giúp anh có tên tuổi trên văn đàn. Và chưa hết, anh đang lặng lẽ xây dựng một mô hình kinh doanh mới, mà nghe anh nói thấy rất... lạ. Đó là karaoke... sinh thái, và sẽ được anh đặt tên bằng chính bút hiệu miên di của  mình.  Thời gian này nghe nói anh đang chuẩn bị cho một cuộc đi hoành tráng lắm. Đấy là một chuyến ra Bắc, lên với Tuyên Quang để dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII mà anh là một trong bốn đại biểu chính thức của Gia Lai đã được chọn. Một dịp tốt để anh cùng mọi người nâng cao bút lực và biết đâu chuyến đi này lại chẳng giúp anh có thêm được vài món ăn của Tuyên Quang để bổ sung vào cái thực đơn của Ngói Nâu, cái nơi xa lâu thì… nhớ!
                                                                
                                                                Giữa tháng 8/2011
                                                               Nguyễn Minh Tuấn

                                   Hắn- miên di- Chủ quán Ngói Nâu

* Bài đăng trên báo Gia Lai số 3104- ngày 26/8/2011

6 nhận xét:

  1. Nhớ đòi tiền PR cho Ngói Nâu từ "hắn" nha!

    Trả lờiXóa
  2. định cư hẳn ở bên này à
    -PR ác nhỉ, tui đã đọc bên miendi rùi
    -cú này chắc cứ theo ông vào ngói nâu thì very phẻ đây

    Trả lờiXóa
  3. @VTH:
    - Ừ, sang hẳn bên này rồi.
    - Cứ vào thử đi, không phẻ tất...yếu, hì hì!

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết khá lắm. Chú thật có duyên trong việc giới thiệu chân dung. Đọc nhớ chú và miendi thật nhiều. À, hôm qua, đoàn PT đi Tân Trào, ko thông báo cho chú vì đâu biết nhà chú ở trên đoạn đường đó. Sorry nha. Chúc chú viết nhiều và hấp dẫn.

    Trả lờiXóa
  5. @anh Xuân Thu:
    Cứ tưởng bác say...gái thành Tuyên quên mất đường về rồi chứ...hehe!

    Trả lờiXóa