Vừa rồi mình được tham gia một chuyến đi Mo- Ray (Kon Tum) và khi về mới chỉ đưa mấy cái hình ở đây. Còn chần chừ chưa đưa bài viết vì còn phải...chờ! Hôm nay em nó chính thức ra rồi nên mới đưa lên được. Đây là bản gốc, còn bài trên VHQS tất nhiên đã bị "oánh" rồi để phù hợp với khuôn bài.
NGÀY MỚI Ở MO RAY
Công ty 78 thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn xã Mo Ray- Sa Thầy-
Kon Tum. Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay công ty đã có một cơ ngơi khang
trang và vững chắc. Với nhiệm vụ trồng và khai thác mủ cao su, ngay từ khi
thành lập, công ty đã thu hút khá đông lực lượng lao động ở một số tỉnh phía
Bắc vào làm công nhân và đến bây giờ họ đã lập nghiệp được ở mảnh đất vùng biên
giới này. Và một điều hiển nhiên phải xảy ra khi ngày càng có nhiều thêm những
gia đình mới được xây dựng, đó là những đứa trẻ, kết quả của những mối tình,
những lứa đôi hạnh phúc đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Cũng
chính điều này đã làm day dứt, trăn trở cho lãnh đạo công ty mà trực tiếp là Giám
đốc- Đại tá Nguyễn Xuân Minh, người đã lăn lộn với mảnh đất này từ khi còn là
một chàng trai với biệt danh là “dũng sĩ đào gốc cao su”, đã bắt mảnh đất hoang
vu này phải “trở mình”. Ngay cái việc ông phải tính toán làm sao để cân bằng
“âm- dương”, ấy là tỷ lệ nam, nữ công nhân chưa có gia đình phải cân đối rồi
đến cái chuyện ông treo thưởng là đất và nhà ở cùng tiền thưởng cho công nhân
nào mà về quê đem được vợ vào sinh sống ở trong này cũng đủ cho thấy cái tình
của vị giám đốc đã nặng lòng lắm với mảnh đất nơi đây. Còn nhiều những “nguyên
tắc” mang đậm chất riêng của đại tá Minh mà hiếm có vị giám đốc nào có được như
vào đây sau một năm mới được tổ chức lễ cưới hay cưới sau một năm mới được có
con vì như vậy mới kịp làm nhà trẻ. Đâu chỉ là sự quan tâm làm thế nào để cho
đời sống công nhân khá lên, sản lượng mủ cao lên mà còn trăm ngàn mối lo khác,
mà một trong những điều quan trọng nhất là làm sao để tạo cho họ- những người
công nhân thân yêu của ông- thực sự yên tâm lao động, thực sự yên tâm lập
nghiệp ở đây. Muốn như vậy thì phải có chỗ cho con cái họ được vui chơi, được
học hành tại chỗ, gần cha mẹ chúng chứ không thể còn cái cảnh hằng năm cha mẹ
lại phải đưa con cái về quê ở với ông bà để rồi mỗi khi chia tay lại không khỏi
nước mắt vắn dài.
Sương trắng Mo- Ray
Thì đây, trước mắt chúng tôi bây giờ là những đứa trẻ. Đủ lứa tuổi. Bé
thì đang ẵm ngửa, lớn thì lên bốn lên năm. Trong căn phòng cấp bốn tương đối
rộng rãi và có đủ các loại đồ chơi là ăm ắp những tiếng cười đùa rổn rảng của
hơn hai chục đứa trẻ con công nhân Đội sản xuất số 1. Từng đó đứa trẻ nhưng có
tới bốn cô chăm sóc bởi có những đứa chỉ mới được 6 tháng tuổi nên phải có
riêng một cô bế ẵm. Cô và cháu ở với nhau cả ngày. Đến chiều cha mẹ tới đón. Thượng
tá Nguyễn Thanh Phong- chủ nhiệm chính trị của công ty, người đưa chúng tôi đi
tham quan nói rằng chắc chưa có nơi nào có cái nhà trẻ như ở đây. Cô nuôi dạy
trẻ đi làm theo giờ đi cạo mủ của công nhân, như thế có nghĩa là nếu công nhân
đi cạo lúc bốn giờ sáng, hoặc có những thời điểm phải cạo lúc hai giờ sáng thì
đồng thời các cô cũng phải đến nhà trẻ giờ đó để đón cháu. Vất vả là thế nhưng
cứ nhìn thấy những vòng tay đầy yêu thương của các cô bế các cháu cũng đủ thấy
rằng họ đã thực sự yêu nghề, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho những người công
nhân rồi.
Chia tay cô và cháu ở nhà trẻ, thượng tá Phong đưa chúng tôi đến thăm
ngôi trường nội trú của công ty. Được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày
thành lập công ty, ngôi trường với không gian thoáng mát của những hàng cây
xanh gồm 5 phòng học đầy đủ bàn ghế, bảng chống lóa, trang trí đúng quy định, hiện
giờ đang được xây thêm hai phòng máy vi tính và phòng thiết bị. Thực ra đây là
một điểm trường của trường tiểu học Lý Thường Kiệt của huyện Sa Thầy. Nằm trên
địa bàn một xã mà diện tích của nó lớn bằng diện tích của cả tỉnh Thái Bình nên
ngay cái việc lãnh đạo công ty chọn được địa điểm trung tâm nhất để cho con em
công nhân đến trường được thuận tiện cũng là một điều phải tính toán, cân nhắc.
Vì thế mà hiện nay khoảng cách từ trường đến những khu dân cư không phải là
nhỏ. Nơi xa nhất lên đến hơn hai chục km. Cũng chính vì thế mà tất cả học sinh
tiểu học nơi đây đều phải ở lại nội trú. Gia đình học sinh chỉ phải đóng tiền
ăn, còn mọi chi phí khác đều do công ty lo. Ngay trước cổng trường là hai dãy
nhà ở nội trú được xây cấp 4 tương đối thoáng mát, bên trong có đầy đủ giường
chiếu sạch sẽ, gọn gàng. Khi chúng tôi đến các em học sinh đang nghỉ hè nên đã
về với gia đình. Nhưng lại có một điều bất ngờ nữa mà chúng tôi được chứng
kiến. Ấy là tuy trong thời gian nghỉ hè nhưng các cô bảo mẫu vẫn làm việc vì
còn có một lượng các em học sinh chuẩn bị vào lớp 1 đang sống ở đây để làm quen
với việc phải sống xa gia đình, xa cha mẹ trong thời gian dài sắp tới. Đây có
thể nói là một phương pháp giáo dục rất hay đối với loại hình trường nội trú
như ở Mo Ray, nhất là khi đặc thù công việc của cha mẹ học sinh vắng nhà cả
ngày, khoảng cách từ nhà đến trường quá xa thì việc các em làm quen với môi
trường nội trú, dần dần tự lập được với những việc chăm sóc bản thân đơn giản
là hết sức cần thiết. Những ánh mắt trong veo, hồn nhiên cùng tiếng chào mừng
rỡ nhìn chúng tôi khi chúng tôi bước vào với các em như thể cha mẹ tới đón
chúng về vậy. Vòng tay chăm nom của những cô bảo mẫu ở đây ấm áp khác nào vòng
tay của cha mẹ các em. Chính điều này đã giúp cho các em vơi bớt nỗi nhớ nhà,
chăm ngoan mà học tập.
Trường, nhà nội trú và lũ trẻ ở Mo- Ray
Ngày cuối cùng ở công ty chúng tôi được tham dự giải thi đấu cầu lông
của công đoàn công ty tổ chức nhân dịp ngày gia đình Việt Nam 21/6 mà điều đặc biệt ở đây là
chỉ thi đấu giữa các cặp vợ chồng với nhau. Nhìn những cặp đôi tay trong tay
cùng vào sân thi đấu với những bộ trang phục đủ sắc màu, chúng tôi nhận thấy rõ
niềm vui, niềm phấn khởi trong nụ cười của họ. Có những cặp lần đầu tiên trong
đời cầm cây vợt cầu lông, phát cầu còn trượt, thậm chí còn chưa biết luật thi
đấu nên khiến trọng tài phải vừa thổi còi vừa hướng dẫn. Nhưng rõ ràng đây là
ngày vui của họ bởi ở đây họ được giao lưu, được gặp gỡ và được thấy sự quan
tâm của công ty dành cho họ trong ngày đặc biệt này.
Những ngày ở Mo Ray là những ngày chúng tôi gặp được nhiều điều bất ngờ.
Từ những hiệu quả sản xuất ngày càng tăng của công ty đến những chuyện làm công
tác giáo dục, tất cả đều nói lên sự quan tâm và cái nhìn xa trông rộng của lãnh
đạo công ty. Nhớ lại câu nói của đại tá Minh trước khi ông lên xe về binh đoàn
họp: “Thực ra làm kinh tế đâu phải chỉ cần có tài là xong đâu, mà còn cần có cả
cái tâm nữa. Làm sao để người công nhân phải coi đây là máu thịt của họ vậy.
Muốn thế thì phải tạo cho họ an cư đã. An cư mới lạc nghiệp mà!”. Vâng, họ đã
an cư và họ đang lạc nghiệp bởi nhờ những cách làm sáng tạo và những suy nghĩ
đầy tình người như thế của những người như ông, những người đã và đang làm cho
Binh đoàn 15 nói chung và Công ty 78 nói riêng ngày càng tỏa sáng.
Cuối tháng 6/2012
Nguyễn Minh Tuấn
* Bài đăng trên Văn hóa quân sự số 84- tháng 8/2012
* Bài đăng trên Văn hóa quân sự số 84- tháng 8/2012
Bài viết sinh động đấy. Có đi có khác. Phải ở dững hơn một năm mới được cứoi, cưới hơn một năm mới được đẻ. Tức nhỉ? Choẽ bò đếch chịu được đâu. Cưới luôn, đẻ luôn nha. Đẻ liền ngay đó, biết chửa?
Trả lờiXóaHe he anh! Vậy nó mới...máu!
Xóa