Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

PHI ĐÔNG HẠ

Cái tên nghe có vẻ...Tàu! Ừ thì cũng có phần đúng. Thì "Phi" là "Không". Mà không phải là ĐÔNG HẠ thì còn lại là...hai mùa kia, chẳng phải thế hay sao?
Viết xong cái này mình thấy nhẹ lòng. Cứ lăn tăn mãi, chẳng biết mình có sơ suất gì không. Phải hỏi đi hỏi lại, rồi lại hỏi ý kiến người mình coi là thầy nữa...
Giờ này chắc anh đang ngồi... bóp chân rồi. Leo núi mà!


NGƯỜI TUNG LỤC BÁT LÊN GIỜI


        Không phải ngày thơ Việt Nam vào dịp Nguyên tiêu, cũng không phải nhân dịp hội thảo về thơ hay giới thiệu tập thơ, tác giả thơ nào cả mà đơn giản là chuyện tôi gặp…lão. Lão ta là Chõe. Người ta gọi lão thế. Cái tên ấy cũng có nguồn cội của nó mà tôi sẽ nói đến sau. Nhưng trước khi bắt đầu tôi xin được gọi đúng với cách xưng hô giữa tôi và anh, vâng, là anh chứ không phải là lão.
  
       Lần đầu gặp anh tại phố núi khi mà ông giời đang trút những trận mưa không dứt xuống cái thành phố nhỏ nhoi đầy dốc này. Thoạt tiên gặp anh chẳng có gì ấn tượng cả. Mưa như trút. Tất cả đều vội vàng chạy nhanh vào thềm mà trú. Thì cũng cái dáng dong dỏng như khối người ngoài kia. Không mập không ốm. Tóc hơi dài trùm tai nhưng không cắt vì nếu cắt đi cho vừa thì sợ lộ ra tóc trắng khi mà đã vào cái tuổi ngũ tuần rồi, đấy là anh nói thế. Gặp nhau tại cái hiên của trụ sở Hội VHNT tỉnh Gia Lai vừa nghiêng đầu rũ nước vừa gật đầu chào nhau thì cũng chẳng có ấn tượng gì với nhau lắm. Chúng tôi cùng là những học viên của lớp bồi dưỡng, tập huấn văn học khóa V do trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du- Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại thành phố Pleiku- Gia Lai. Ấy thế mà từ cái phút gặp lúc đầu chẳng mấy mặn mà đấy tôi và anh đã quen và thân nhau, cứ như là đã gắn bó với nhau lâu lắm rồi. Trong những lý do khiến chúng tôi gần nhau có một lý do rất đơn giản vì anh  là người quê đất Tổ Phú Thọ. Hơn nữa anh lại ở xã Chí Đám- Đoan Hùng, nơi mà cách đây hơn mười sáu năm về trước tôi đã dứt áo ra đi chỉ sau hơn chục phút suy nghĩ rồi quyết định. (Cái quyết định lịch sử của đời tôi đã khiến tôi giờ đây cứ mãi bám lấy cái mảnh đất cao nguyên này).Quê anh ở bên kia dòng Lô giang trĩu ngọt những vườn bưởi mà một thời ở đó có những buổi trưa đi làm về mệt, ngại nấu cơm tôi và một thằng bạn nữa đã ăn trừ bữa, ăn không biết chán, để đến bây giờ tôi dám khẳng định rằng bưởi Chí Đám ngon gấp mười lần bưởi Đoan Hùng. Nơi ấy mười mấy năm về trước khi tôi là thằng trai mười tám vừa thi trượt đại học được ông già tống xuống nhà máy quân đôi làm công nhân quốc phòng thì anh đã là ông chủ tịch xã nơi nhà máy tôi đứng chân rồi. Tất nhiên là tôi chẳng hề biết anh và ngược lại. Ông chủ tịch xã là anh sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về luôn mẫn cán với công việc của địa phương và rồi đắm chìm với những câu thơ tự lúc nào chẳng hay. Để rồi từ xã đến huyện chẳng giữ nổi được anh mà đành phải để anh đến với nghiệp văn chương như tiền định. Đôi cánh văn chương đã giúp cho chàng trai quê lụa gốc Đỗ Xuân Thu (giờ anh đã là Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, tổng biên tập tạp chí văn nghệ Đất Tổ) bay xa mãi và cho ra đời hơn chục đầu sách cả thơ, truyện ngắn lẫn tiểu thuyết. Cái chất nông nghiệp như đã ngấm vào anh để trong từng trang viết. Có thể nhận rõ ở trong đó là những hơi thở của đất quê, của dòng nước ngọt từ con sông quê anh chở nặng phù sa cho cây lúa thêm xanh, cho đàn cò tung cánh… Rồi những điệu hát miền trung du nơi anh sinh sống cũng đã lẫn vào trong thơ anh để nặng thêm tình thương yêu  ruột thịt. Ngay cả tiếng dế nỉ non, tiếng gà gáy sớm cũng làm cho câu lục bát thơ anh thêm thánh thót.

       
        Lục bát Đỗ Xuân Thu thấm đẫm chất trữ tình của dân ca vùng trung du Bắc bộ, nặng lòng với những ưu tư thời cuộc của một công chức thời mở cửa, rồi cũng có những lúc tương tư trong nỗi sầu miên của chàng thi sĩ đa tình:
Tung câu sáu, tám lên trời
Triền đê nổi gió rối bời cỏ may
Trắc, bằng xoay tít mù xoay
Chữ tơi tả chữ, vần đay đảy vần

Ngước lên trên đỉnh Phù Vân    
Thấy làn mây trắng khỏa thân nõn nà
Tứ thơ bất chợt bung ra
Về đây lục bát cùng ta lên giời...
                                 (Lục bát lên giời- Xuân Thu)
    
      Vẫn biết lục bát là thể thơ tưởng dễ mà hóa lại khó làm. Những sáu- tám, trắc- bằng…niêm luật cụ thể mà khi với tới được những câu thơ hay là cả một quá trình lao tâm khổ tứ. Lục bát Đỗ Xuân Thu vẫn mượt mà như thể mái tóc người con gái quê bất chợt gặp nơi phố đông người, vẫn sóng sánh tựa giọt rượu nồng anh trút cạn cả canh thâu, vẫn đậm đà hương vị quê nhà dù xa quê bao năm vẫn nhớ:
    Tôi bày ra giữa chợ đời
 
Sạp thơ lục bát còn tươi chữ vần
             Này người xin hãy dừng chân
          Thêm dăm nụ gió dành phần cho Thơ
   Này là câu lục ngu ngơ
         Yêu thương rát ruột còn vờ như không
        Để rồi con sáo sang sông
         Giật mình thất vận bồng bông mà nhìn
 Này là câu bát cả tin
          Đong đưa ánh mắt muôn nghìn đã trao
             Đắng cay yêu vẫn ngọt ngào
  
Đến khi tay trắng lao đao mà cười
   Lục bát à! Lục bát ơi!
              Buồn đau không bán, vui cười không mua
            Lang thang một gã quê mùa
           Gánh Thơ ra chợ, vào chùa cầu may...   
                                                    (Lục bát cầu may- Xuân Thu)

Hay:
Đền em cả cuộc tình này
Bao giờ trả hết, trắng tay anh về
Đền em tất cả si mê
Cuốc nương, gieo một lời thề nhã my

Đền em khúc hát Trương Chi
Cả kho cổ tích chi chi chành chành
Ba hồn bảy vía đời anh
Cộng rừng hoa đẹp như tranh… xin đền
                                        (Đền em- Xuân Thu)

     Đỗ Xuân Thu là người thích xê dịch, tìm tòi, khám phá. Anh ít khi chịu ngồi yên. Sớm nay thấy đang vắt chân ăn sáng ở Gia Cẩm- Việt Trì, sáng mai đã thấy cà phê vỉa hè Pleiku rồi. Mới xa nhau có mấy ngày lại đã thấy anh đang cong lưng vượt cổng trời ở cao nguyên đá Đồng Văn, tài! Chính cái sự đi này đã khiến anh trải nghiệm nhiều hơn, phát hiện nhiều hơn để rồi từ đó có những câu lục bát mượt mà, nền nã hơn.
     
     Cái hay, dở trong thơ Đỗ Xuân Thu xin nhường lại cho các nhà phê bình, cho các nhà thơ lớn. Ở đây tôi chỉ nói về con người anh, một Đỗ Xuân Thu chân thành, giản dị, hóm hỉnh mà tinh tế, sâu sắc. Anh sống hết mình vì bạn bè, cả thân quen lẫn mới quen. Chan hòa, nồng ấm lắm khi chúng tôi đã có những cuộc ngồi với nhau ở cái phố núi nhỏ như bàn tay này trong những ngày mưa lạnh, khác hẳn với quê anh ngoài đó đang trong thời kỳ nắng nóng. Chả thế mà anh đã giật mình thảng thốt khi lần đầu tới Pleiku:
       Pleiku
      Ùa vào tôi những cơn mưa bất chợt
      Và gió
      Những cơn gió hoang thảng thốt
      Ào ào mơn man
      Mình tôi lang thang
      Tìm mãi đôi mắt Pleiku như đôi mắt tôi hằng tưởng tượng..
                                            (Đâu rồi đôi mắt Pleiku- Xuân Thu)



   Vì hay xê dịch nên anh có nhiều bạn. Xê dịch ngoài đời thì có bạn ngoài đời. Xê dịch trên mạng thì có bạn blog. Anh chịu khó nhắn tin cho bạn mỗi khi có tin gì vui hay buồn, hay đơn giản là mới post một bài mới lên blog, cho dù là bạn cao niên hay mới quen trên mạng. Chả thế mà khi gặp nhau tại Pleiku thì đã có khối người biết anh. Cư dân trên blog cũng đã từng ca ngợi về thơ lục bát của anh. Chả thế mà đã hai lần lục bát của anh lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi thơ lục bát do báo Văn nghệ tổ chức. Mười mấy đầu sách của anh cũng đã có vài tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức. Và cũng từ đây, cái tên Chõe bò- tên một nhân vật trong truyện ngắn của anh- đã vận vào anh mà đi đâu người ta cũng gọi anh bằng cái tên ấy.

      Khi tôi ngồi viết những dòng này thì anh đang chót vót nơi điểm cực Bắc Tổ quốc rồi. Anh cùng đoàn văn nghệ sĩ Phú Thọ đi thực tế trên cao nguyên đá Đồng Văn. Đứng trên đỉnh cột cờ biên ải, anh rối rít gọi điện, anh vội vàng đưa tin để khoe “chiến tích”. Chẳng biết rồi sau chuyến đi này anh lại dịch chuyển đến đâu, nghe nói anh đang có dự định đến điểm cực Nam của Tổ quốc. Viết vài dòng coi như lời chúc anh “chân cứng đá mềm” để cái sự xê dịch của anh ngày càng thuận lợi và để rồi từ đó có thêm nhiều câu lục bát được “tung lên giời” nữa lão Chõe ạ!
                                                                 

 Anh và tôi

Anh và...thác

                                                                       Tháng 7/2011
                                                                 Nguyễn Minh Tuấn

* Bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ Gia Lai số 153- tháng 8/2011

8 nhận xét:

  1. Chúc mừng anh Tuấn có một bài biết thật hay về lão Chõe. Lão ấy xê dịch đến đâu cứ như là có sẵn bạn bè ở đó anh Tuấn ơi.

    Trả lờiXóa
  2. @N:
    Thì...vưỡn! Thế mới là...Chõe, khekhe!
    Cám ơn N. nhiều!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn Minh Tuấn. Xúc động quá. Lời đề tựa cho tập thơ Khúc đồng dao của mình cũng có 4 câu: "Tôi làm thơ chỉ cho em/ Mà không dám gửi chỉ đem dán diều/ Quẩn quanh chỉ một vần Yêu/ Tôi đem thả hết vào chiều chơi vơi". Viết tay nha. Chẳng biết nó vận thế nào để đến nỗi thơ mình viết ra toàn tung lên giời thôi để cho Minh Tuấn bắt mạch đúng quá. ĐỌc bài viết rất xúc động, chẳng biết nói gì hơn bằng hai từ cảm tạ, cảm tạ. Nhà em sẽ cố gắng để có nhiều câu lục bát hay tung lên giời hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Thật là thấu hiểu nhau, em chứng kiến tình bạn này và thấy thật hiếm hoi, đáng quý...chúc tất cả chúng ta sẽ có những tình bạn đẹp!

    Trả lờiXóa
  5. Đêm mơ Phố núi giật mình
    Thì ra mình đắm đuối tình nơi xa
    - Thăm anh và chúc anh sức khỏe!

    Viết bởi Nguyễn Minh Tuấn | 10 Jul 2011, 11:08
    -------
    ờ! nhớ lắm những ngày mưa lang thang, những giọt rượu tình, những cái nhìn ngỡ đã là quen, những nụ cười thân thiện thuở nào ...là thế nên bây giờ... cái đầu đêm nhưn nhức nhớ. hi hi cám ơn nhiều vì Plei...và Tuấn và anh em
    K5 đã cho mình tròn đẹp những niềm mơ. chúc vui khỏe bút lực cường thịnh. thân mến!

    vậy là nhớ
    vậy mà thương
    vận trong mộng thắm suốt đường nhân gian

    Trả lờiXóa
  6. @ Bà Tỉnh:
    Chắc chắn là như thế và mãi mãi là như thế.

    Trả lờiXóa
  7. @ anh Vũ Miên Thảo:
    Dạ, em cảm ơn anh nhiều!

    Trả lờiXóa