Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

LAN MAN TẾT QUÊ

 Đến giờ thì không khí Tết đã lắng xuống, nhường chỗ cho những lo toan cơm áo gạo tiền. Tất nhiên là thế vì qua rằm rồi còn gì. Nhắc đến rằm lại nhớ đến Ngày thơ Việt Nam, đến hôm nay cũng dịu rồi mặc dù sân thơ Thị giác ở Gia Lai nhà mình mới kết thúc ngày hôm qua sau hai ngày tưng bừng ở công viên Lý Tự Trọng lẫn ở trên...Blog. Rất nhiều người đưa tin về sự kiện này nên mình chẳng viết, cũng chẳng đưa hình lên đây mà chỉ...tự sướng một mình rồi lang thang đọc ké. Công nhận là cực vui!
  Hết Tết nhưng xuân thì vẫn còn nên có cái này đưa lên để lại thèm Tết cho vui!


LAN MAN TẾT QUÊ
                                                                
                              Hồ Hương Khê ngày xuân                 
 
  Thế là tôi đã tung tăng trên đất Phúc Trạch- Hà Tĩnh sau 12 tiếng đồng hồ vất vả cùng với chiếc xe khách chạy với “chất lượng cao” trên đường Hồ Chí Minh và được ngắm “mây bay ngang trời” hết sức ngoạn mục ở địa phận tỉnh Kon Tum. Trời mưa, sương giăng, gió đỉnh đèo hun hút. Những ngọn núi mờ trắng hơi sương và hiu hắt gió khiến chúng tôi  ai cũng phải so cổ và suýt xoa. Mấy đứa trẻ nôn thốc nôn tháo theo nhịp nghiêng của xe. Ngoài kia lũ trẻ đi chăn bò vẫn phong phanh những manh áo cộc, môi tím ngắt như những tảng mây trôi ngoài cửa xe. Tầm ngắm của tài xế cũng chỉ giới hạn chừng 3-5 mét. Một bên vách núi, bên kia vực sâu, thế mà xe lên xe xuống vẫn điệu đà tránh nhau.
  Năm nay về quê ăn Tết là vất vả vì trời miền Trung và miền Bắc liên tục đón những trận rét đậm và rét hại. Nhưng tôi vẫn quyết định cùng vợ con về thăm quê vợ. Mười mấy năm trời chưa được hưởng cái không khí Tết miền Bắc với lay phay mưa bụi và gió rét. Mẹ già càng ngày càng như “chuối chín cây”. Hai bẹp nhà tôi cứ ao ước được về với bà ngoại để tránh cái gió bụi và nắng hanh Tây Nguyên. Chúng chẳng thể nào biết được cái lạnh xoăn xeo ở ngoài này như thế nào. Háo hức lắm. Thế mà mới qua vài cái “tay áo” đã ngốn hết chục cái bì nilon. Cảm giác tê tái, buốt giá như hàng ngàn con kiến bò trong người khi bước xuống thành phố Hà Tĩnh vào lúc 3 giờ sáng sau 12 tiếng đồng hồ trên xe. Một cuốc taxi đưa chúng tôi về nhà nghỉ trong trung tâm thành phố Hà Tĩnh để đợi đến trời sáng mới về Phúc Trạch. Cái nhà nghỉ nhìn bề ngoài rõ sang, thế mà bước vào trong cũng chẳng ăn thua gì. Nước nóng thì tiết kiệm nên cả nhà chẳng ai dám tắm. Bù lại có anh chàng lễ tân sốt sắng lo phòng rồi kèm theo câu chúc ngủ ngon rồi sáng hôm sau lại sốt sắng tìm taxi giá rẻ cho chúng tôi về Phúc Trạch.
  Bảy giờ sáng mà đường phố vắng tanh. Mưa vẫn lất phất bay. Sương sà xuống thấp hơn phủ trắng con đường nhơm nhớp bùn đát đang thi công. Ngồi trên xe có cả áo ấm, khăn quàng, cửa đóng kín mà chúng tôi vẫn còn thấy lạnh, thế mà ngoài kia những bà, những chị gánh mạ ra cấy chỉ mang độc manh áo nâu thêm chiếc khăn len quàng vội. Đường về đặc sệt bùn đất. Xe đông, trơn trượt…luôn khiến chúng tôi thót tim. Nhìn quanh quất mãi chẳng thấy chiếc xe đạp nào treo những túi nilon đựng cá chép vàng bán dạo trong ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Cảm giác như thiếu vắng đi một thứ hương vị Tết. Ông anh taxi vui tính nói: giờ người ta đun bằng bếp ga hết rồi, lấy đâu ra ông Công ông Táo mà đưa. Ừ nhỉ, thì mình chẳng đã từng thấy nhiều nhà cúng Táo quân xong là cho ngay nàng Chép vàng vào chảo là gì, và tất nhiên là cũng bằng bếp ga. Còn cái chuyện thả cá xuống hồ, xuống suối xong ngay lập tức những tay thợ câu chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư sẵn sang thả ngay lưỡi câu xuống đón thì là chuyện thường ngày ở huyện. Chẳng biết đường nào mà lần, đại loại thế…
  Trời cứ mưa và đường cứ trơn cho đến khi chúng tôi về đến nhà. Lạnh. Buốt. Tay chẳng cầm nổi cái gì ngoài điếu thuốc cứ tắt lên tắt xuống. Xe dừng. Chúng tối chạy ngay vào bếp sưởi lửa mà cũng chẳng thể nào xua đi hết cái giá rét. Cả nhà đón chúng tôi trong niềm hân hoan và vui mừng xen lẫn những ái ngại, thương yêu khi thấy con cháu đội cả trời mưa giá rét mà về.

Cả nhà mình trước cửa nhà ông anh

Bé út nhà mình

Ba mẹ con bẹp nhà mình
 
  Phúc Trạch sau bao năm vẫn vậy. Cái nghèo vẫn đeo đẳng quanh những người dân một nắng hai sương dù lác đác có một vài cái nhà xây. Vẫn cái ngõ cỏ xanh ngày xưa ấy, đã lầy lội giờ như càng lầy lội hơn. Mẹ già móm mém trầu cay run run ra đón con đón cháu. Vừa qua trận mưa lũ, giờ lại thêm rét đậm rét hại. Không biết mẹ có trụ nổi không khi thiên nhiên khắc nghiệt vẫn luôn rình rập nơi này. Thương lắm mẹ ơi khi lưng mẹ đã còng, mái tóc muối nhiều gấp mấy lần tiêu, bàn tay chai sần nhăn nheo cứ ôm xiết lấy những đứa con đứa cháu xa nhà lâu lắm mới về với mẹ. Một đọi “nác chè xeng” mẹ cất công cắt từ hôm qua giờ hãm chờ con cháu về làm lòng chúng con ấm lại. Bát nước thảo thơm ấm áp lòng mẹ và đậm đà tình quê đã làm chúng con vơi đi cái giá rét cuối năm. Bao lo toan vất vả giờ như tan biến đi đâu khi được trở về trong vòng tay ấm êm của mẹ. Tết này nhà mình lại  được xum vầy.

Bà và cháu
     Tết này là cái Tết đầu tiên vợ chồng con cái chúng tôi về ăn Tết với mẹ sau mười mấy năm trời và cũng là nhân thể dự đám cưới của thằng cháu gọi vợ tôi bằng o ruột. Cũng chẳng biết bây giờ đám cưới ở quê có khác ngày xưa không. Chỉ biết là đám thanh niên đã mang về đây những nét văn hóa hiện đại ở chốn thị thành. Một buổi tối với nhạc xập xình inh tai như ở một vũ trường nào đó. Rượu liên tục rót càng làm tăng thêm những bước chân dồn dập, quay cuồng. Ông anh vợ cũng nhanh trí bấm nhỏ với tay công an thôn nên tới...2 giờ sáng thì dẹp được cuộc nhảy, nếu không thì “overnight” luôn. Nói trộm vía, cũng may là mấy cái tệ nạn xã hội chết người kia không thấy ở đám thanh niên này. Âu cũng mừng cho lũ trẻ. Đám cưới quê giờ đây không còn cái cảnh lũ thanh niên đi tìm cây tìm cọc về dựng rạp; cũng không còn cái cảnh cả họ xúm xít cùng nhau làm cỗ cưới, rộn rã, ồn ào và náo nhiệt. Tất cả đã được thị trường hóa hết rồi. Thuê tất tần tật từ A đến Z. Người nhà chỉ việc đứng cân đong đo đếm đồ đạc và tiếp khách. Còn mọi cái nhà hàng lo hết. Khỏe re! Xong đám, dỡ phong bao mới thanh toán với nhà hàng. Càng khỏe!
  Vườn nhà Phúc Trạch rộng lắm nhưng không còn sum suê cây trái như ngày xưa. Cũng may chị gái vẫn dành những trái cam vàng ít ỏi dành cho các cháu. Chỉ tiếc không đúng mùa bưởi. Bưởi Phúc Trạch lạ lắm. Dôn dốt chua mà vẫn không mất đi cái vị ngọt thanh thanh. Tép, tôm giòn. Cái vị chua chua ngòn ngọt cứ đong mãi ở đầu lưỡi làm bao người con xa quê vẫn còn nhớ mãi, chẳng thể nào quên. Bưởi Phúc Trạch từ lâu đã nổi tiếng, khắp trong Nam ngoài Bắc; sánh ngang với những Năm Roi, Da Xanh…thế mà giờ đây còn được mấy gốc? Bây giờ người ta đổ xô vào trồng dó trầm. Không rõ thực hư thế nào mà khoảng dăm bảy năm trở lại đây cây dó ở đất này lên ngôi. Nhà nào cũng có dó xung quanh nhà. Nhà có công chuyện gì chỉ cần kêu người bán một cây là có đủ tiền để trang trải rồi. Tiền tươi thóc thật luôn. Như dịp Tết này chẳng hạn, cầm điện thoại lên, bấm bấm nhá nhá, năm phút sau là dân mua có mặt. Chỉ cây nào nói giá ngay cây đó. Cây nhỏ thì đôi ba triệu; cây to thì chục, thậm chí mấy chục triệu, tùy theo có “sâu” hay không, tức là có trầm chưa. Thằng em cạnh nhà trưa 29 bán 2 cây cầm luôn 6 triệu sắm Tết. Người mua giao tiền xong lập tức leo lên xe máy và...phắn. Dó cứ để đấy, đến tuổi mới đến chặt mang đi. Người nhà cũng chẳng phải chăm bón gì cả. Thế là cả vườn toàn dó trầm, chẳng thấy cam bưởi đâu cả. Chuyện dó trầm sơ sơ là như thế, có dịp sẽ kể chi tiết hơn vì còn ối chuyện về cái thứ cây này. Chứ không như anh cam anh bưởi kia cứ phải chờ đến mùa. Mà lại còn phải phân gio thuốc nước đủ trò. Ấy là chưa kể như năm nay lụt to nên Phúc Trạch mất mùa cam thành ra vườn nào giữ được là trở thành triệu phú ngay. Ngày 24 Tết ra chợ chỉ dám mua cho con gái đúng ba quả nho nhỏ với giá...sáu mươi tư nghìn đồng. Loại rẻ nhất cũng đến tám mươi nghìn, còn loại ngon thì suýt soát một trăm ba mươi nghìn đồng một kí khoảng 3 quả. Cũng vì cái anh dó trầm lên ngôi và anh cam mất mùa được giá ấy mà giá cả các mặt hàng khác cũng tăng chóng mặt. Cứ nhìn thấy các gia đình đi sắm Tết thì biết. Nhờ bán cây dó nên cũng ráng sắm cái Tết cho tươm tất, cho bằng chị bằng em, chứ có mấy ai biết rằng chiều 29 Tết xe chở gạo cứu trợ vẫn đậu ở đầu xóm để phát đấy thôi.
 Còn tôi, mỗi lần về nhìn những gốc bưởi trơ trụi chẳng ai chăm sóc mà thấy chạnh long. Dù gì thì nó cũng là “thương hiệu” của đất Phúc Trạch này. Nhờ nó mà người dân Phúc Trạch được khắp nơi biết tới. Cứ nhắc đến Phúc Trạch là người ta lại nói đến bưởi. Cũng giống như Đoan Hùng hay Chí Đám vậy. Thế mà bây giờ người ta coi nó như con rơi con vãi. Chỉ đến khi các cơ sở giống cây trồng làm mọi cách để tìm lại sự nổi tiếng có thật của nó thì người ta mới chợt nhận ra là mình vừa đánh mất một tài sản vô cùng quý giá. Không biết đã muộn hay chưa? Mà dẫu có muộn thì giờ làm lại, có còn hơn không. Và vẫn còn đấy mấy người già vì thương yêu và quý trọng thứ sản vật quý đó mà còn sót lại mấy gốc đã già nua.
  Như đã nói ở trên, Phúc Trạch nghèo lắm. Nghèo đến nỗi chẳng nhà ai thèm làm cửa. Thóc lúa ngô khoai thu hoạch về cứ phơi ngoài sân hoặc để trong nhà mà chẳng cửa khóa then cài. Nghĩ cũng đúng thôi, vốn dĩ cùng cảnh nghèo trong làng ngoài xóm với nhau, ai lại lỡ lấy trộm của nhau. Nghèo thì nghèo cái vật chất đó chứ tình cảm của người dân Phúc Trạch thì giàu lắm, ít có dân nơi đâu mà quý trọng tình người như ở đây. Tôi dám nói như vậy là vì thấy bất kể anh ở đâu đến, con cái nhà ai, già hay trẻ, con trai hay con gái, cứ ra ngõ gặp là anh sẽ nhận được những lời chào thân mật. Tình người ở đây cứ hiền lành như củ sắn củ khoai vậy.. Trên môi mọi người luôn thường trực nụ cười tươi thắm với đỏ trầu nồng vôi, mặc kệ những gian nan vất vả nhọc nhằn. Chả thế mà có câu: “Quê tôi nghìn năm khó nhọc, mà vẫn chắt chiu câu nghĩa tình. Biết khi mô trong khi mô đục, răng là nhục là vinh hỡi người”.


 Sông Ngàn Sâu
     
  Trời rét đến ngày 29 thì hửng, chiều 30 Tết đã thấy bóng nắng. Bao nhiêu ngày ở quê thì bấy nhiêu ngày...nhậu. Ngày đầu tiên về đến nhà chưa kịp hơ nóng bàn tay đã thấy một trận rượu được gầy bởi những tay đệ tử của “Lưu Linh”. Đôi  chục quả trứng cút, ít cải xào và muối dưa hái từ vườn nhà. Rượu thì hầu như nhà nào cũng nấu. “Tuy nguồn nước nhiều chỗ khác nhau, song rượu ngon nhà nào cũng có”. Chỉ sợ anh không đủ sức chiến đấu thôi. Cứ thế tiếp diễn cho đến ngày 29 thịt heo thì thực sự là một trận kinh hoàng. Nhà chị vợ mổ một con bốn nhà đụng, nhà anh vợ mổ một chú hai nhà chung. Một bữa tiết canh được mấy tay “ba toa” xóm  hãm đúng sách ngon thôi rồi. Đến lúc rượu mềm môi thì cũng là lúc xế chiều, loạng quạng men hàng rào về đến nhà mẹ là đổ ập không còn biết mô tê răng rứa chi nữa. Hôm sau thì thèm cơm kinh khủng. Phải bảo đứa cháu kiếm ngay một tô canh “tập tàng” cho đỡ xót ruột. Cơm nóng chan canh “tập tàng” với tí ớt bột trong ngày mưa rét thì còn gì bằng. Nhưng công bằng mà nói rượu ở quê ngon thật, rất êm, có vị ngòn ngọt nơi cuống họng, say không đau đầu nên vì thế mà hôm sau tỉnh anh vẫn có thể chiến được.
  Rồi thì niềm vui sum họp cũng qua đi. Con cháu của mẹ lại phải lên đường để mà lo cho cuộc sống thường ngày với cơm áo gạo tiền. Mắt mẹ lại ngấn nước khi tiễn con cháu lên xe. Chỉ 12 tiếng đồng hồ nữa thôi là cái gia đình nhỏ bé của tôi lại trở về với miền đất cao nguyên đầy nắng và gió, để lại nơi Phúc Trạch thân thương những khắc khoải, mong chờ trong lòng mẹ. Lần này trở vào, tôi mang theo những cơn mưa bụi trong cái giá rét căm căm của vùng quê nghèo thương mến và cả cái vị cay nồng của miếng trầu mẹ ăn trong buổi sớm mai sương lạnh...Nhớ lắm Phúc Trạch ơi!
                                                            
                                         NGUYỄN MINH TUẤN
* Bài đăng trên Văn nghệ trẻ số 08 ngày 24/2/2013

2 nhận xét:

  1. ở bên này xem ra luôn xôm tụ nhỉ. hôm nay tôi nghía trên báo tôi thấy cái đoản khúc gì gì đó, của ông hả.

    Trả lờiXóa
  2. @ Thu Huế:
    Tớ thấy bên này cũng hay, được cái dễ làm và ko hay bị hỏng vặt như bên kia. Tính chuyển sang đây luôn.
    Ừ, nếu là "đoản khúc tháng ba" thì đúng là của tớ, hi hi!

    Trả lờiXóa