KÝ ỨC VỀ CÁI SÂN KHO HỢP TÁC
Đã lâu lắm rồi tôi không còn được thấy hình ảnh cái sân kho hợp tác xã nữa. Không biết cái sân kho gắn với tuổi thơ tôi giờ có còn không. Chỉ nhớ là cách đây cũng khá lâu rồi tôi trở về vẫn còn thấy nó, cái sân kho già nua, cũ kỹ mang dáng vẻ mệt mỏi, chơ vơ giữa mấy mảnh ruộng lèo tèo còn sót lại sau cái chuyển động của đô thị hóa.
Đó là những năm đầu thập niên 80. Lũ trẻ lên năm lên mười chúng tôi gắn bó với cái sân kho hợp tác như ngôi nhà thứ hai của mình, nhất là vào những ngày mùa thu hoạch lúa. Mọi người tất tần tật từ già đến trẻ đều có mặt ở sân kho, tất nhiên là trừ mấy bà già phải ở nhà để cơm nước lợn gà...Lũ chúng tôi sau khi tan học là ào về nhà quăng cặp sách, sách cặp lồng cơm và thức ăn để trong cái làn đã được bà chuẩn bị sẵn rồi lại ào ra sân kho. Vào dịp này sân kho vui lắm. Suốt ngày rộn rã tiếng cười nói, tiếng đập, tiếng tuốt lúa rào rào...khung cảnh thật náo nhiệt. Ngày ấy làm gì đã có máy gặt đập liên hợp như bây giờ nên lúa được gặt bằng liềm tay rồi được bó thành từng bó vừa lọn tay người lớn. Người ta lấy vài bông lúa làm dây bó. Mấy anh chị thanh niên tinh nghịch giơ cao bó lúa lên quay tít cho xoắn lại trông rất vui mắt. Rồi những chiếc xe trâu nối đuôi nhau chở lúa về sân kho. Những chú trâu mùa này được thỏa thuê gặm những gốc rạ mới thơm lừng trông có vẻ phởn chí lắm, bước chân như vững chãi hơn. Thỉnh thoảng lại quất đuôi đen đét làm mấy cậu sáo đen đậu trên lưng giật mình bay vù đi mà vẫn ngoái đầu lại ngơ ngác. Lúa về sân kho chất thành từng đống to theo khu vực đã được chia cho từng nhà. Mùi lúa mới, rơm mới ngai ngái bốc lên làm cho không khí vùng quê ngày mùa sực nức mùi thơm đồng nội. Bắt đầu đến cái công đoạn mệt nhất nhưng cũng vui nhất sau khi gặt lúa về là đập hoặc tuốt lúa. Nhà nào khá giả sắm được cái máy tuốt lúa thì có vẻ nhàn hơn. Chỉ cần ba người, một người đạp máy như đạp xe đạp, hai người đứng cho lúa vào tuốt hai bên. Cứ thế thay nhau đạp. Còn nhà nào không có máy tuốt thì phải đập. Theo tôi, đập lúa là cả một nghệ thuật vì từ khi "gắp" bó lúa, rồi đập cho đến khi ra hết hạt người ta phải thành thạo từng động tác, phải có "cữ" đến độ chuyên nghiệp thì mới nhanh và hiệu quả. Những cánh tay chắc khỏe vung bó lúa lên rồi vụt xuống nhịp nhàng như múa, mồ hôi túa ra mà mặt vẫn tươi, miệng vẫn cười nói oang oang. Người ta dùng một tấm gỗ dài và dày kê lên hai cái chạc làm bàn đập. Một bàn như vậy có đến 5- 6 người cùng đập. Dụng cụ đập lúa là những chiếc "néo" trông tựa như cây đoản côn nhưng dây được buộc lệch ở đầu hai khúc néo. Có những cây đã dùng lâu năm, gỗ lên nước bóng loáng. Người ta dùng néo để kẹp bó lúa, néo chặt bằng cái khúc buộc dây lệch ấy và cứ thế là vung lên rồi quật xuống bàn đập. Hạt lúa tóe ra rào rào. Đập chừng mươi cái là ra hết hạt, còn lại bó rơm xơ xác. Người ta vung tay thả mạnh cái đầu khúc néo buộc lệch ra, tức thì bó rơm bay vút ra xa. Đây là động tác đẹp mắt nhất của việc đập lúa vì phải là người quen tay thì mới làm được vậy. Có anh tinh nghịch cứ nhằm đúng cái lưng của mấy chị đang lom khom quét rơm vãi mà ném làm thỉnh thoảng lại vang lên tiếng la oai oái của chị nào đấy vừa bị ném trúng. Đó là hình ảnh ấn tượng nhất đã đi theo tôi suốt những tháng năm sau này mỗi khi nhớ về quê nhà. Cái hình ảnh những bó rơm thi nhau được ném lên không trung như những quả pháo thăng thiên trong tiếng rào rào của hạt lúa rơi quyện với thơm lừng mùi rơm mới mãi mãi chỉ còn là ký ức bởi giờ đây chẳng thể tìm được ở nơi nào nữa.
Lúa đập xong được cào ra phơi trên cái nền sân kho bằng gạch. Những viên gạch thẻ nung già màu nâu đen rắn chắc đã mang trên mình biết bao nhiêu mùa vàng, dãi dầu cùng nắng mưa năm tháng vẫn trơ trơ cùng cái nhà kho mái ngói thâm nâu mà màu vôi đã ngả vàng cũ kỹ. Những đêm trăng sáng được ngủ ở sân kho trông lúa là những đêm thần tiên của tuổi thơ tôi. Gió lồng lộng ngoài cánh đồng mát rượi. Tiếng côn trùng rả rích nghe như bản hòa ca bất tận. Lúc sớm còn tiếng nói chuyện râm ran. Về khuya thi thoảng lại nghe tiếng lọc xọc rít thuốc lào của ông nào đấy khó ngủ. Văng vẳng đầu sân bên kia có tiếng đọc ấm ấm, đều đều của chương trình "Đọc truyện đêm khuya" được phát ra từ chiếc rađio của nhà ông hàng xóm. Nằm ngửa mặt lên bầu trời trăng sao vằng vặc giữa cái không khí ngọt ngào của mùa vàng với thóc mới, rơm mới mà ước ao nghĩ tới mai sau thì thần tiên quá đi ấy chứ.
Sân kho hợp tác còn là sân chơi thứ hai của lũ chúng tôi sau cái sân trường. Ở đây chúng tôi tha hồ chạy nhảy, la hét, quần nhau đến mệt lử mà chẳng sợ bị ai la mắng, không như ở trong sân trường giờ ra chơi chỉ sợ làm gãy cây, rụng hoa thì chết. Vào kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian vui nhất của chúng tôi bởi khi này chúng tôi được đi sinh hoạt thiếu nhi với các anh chị phụ trách ở địa phương vào mỗi buổi tối. Cả sân kho hoạt náo, lung linh trong ánh trăng hè và những ngọn đuốc sáng rực lên giữa cánh đồng lộng gió. Chúng tôi tay trong tay ca hát, nhảy múa, cùng nhau vui chơi đến tận khuya...
Xa quê đã mười mấy năm trời. Cũng đã ghé chân nhiều nơi. Mỗi khi nhìn thấy thấp thoáng đâu đó bóng cây rơm và ngửi thấy mùi lúa mới là lòng tôi lại man mác nhớ về cái ký ức nhỏ nhoi này. Hình ảnh cái sân kho hợp tác lại hiện ra gần gũi và thân thuộc. Giờ đây chẳng tìm đâu thấy, mà có thấy thì cũng chỉ là những gì đổ nát, lạnh lẽo pha lẫn trong sự nuối tiếc, hoài cảm. Mảnh sân ký ức. Mảnh sân tuổi thơ. Mảnh sân thần tiên một thuở. Ngồi viết những dòng này trong tôi bây giờ như được ngửi thấy cái mùi ngai ngái, thơm thơm của rơm rạ, của những hạt thóc vãi ra từ tay người đập. Ước ao được một lần nằm dài trên mảnh sân kho hợp tác ngày xưa để thả hồn vào cái tình quê tha thiết...
Lúa đập xong được cào ra phơi trên cái nền sân kho bằng gạch. Những viên gạch thẻ nung già màu nâu đen rắn chắc đã mang trên mình biết bao nhiêu mùa vàng, dãi dầu cùng nắng mưa năm tháng vẫn trơ trơ cùng cái nhà kho mái ngói thâm nâu mà màu vôi đã ngả vàng cũ kỹ. Những đêm trăng sáng được ngủ ở sân kho trông lúa là những đêm thần tiên của tuổi thơ tôi. Gió lồng lộng ngoài cánh đồng mát rượi. Tiếng côn trùng rả rích nghe như bản hòa ca bất tận. Lúc sớm còn tiếng nói chuyện râm ran. Về khuya thi thoảng lại nghe tiếng lọc xọc rít thuốc lào của ông nào đấy khó ngủ. Văng vẳng đầu sân bên kia có tiếng đọc ấm ấm, đều đều của chương trình "Đọc truyện đêm khuya" được phát ra từ chiếc rađio của nhà ông hàng xóm. Nằm ngửa mặt lên bầu trời trăng sao vằng vặc giữa cái không khí ngọt ngào của mùa vàng với thóc mới, rơm mới mà ước ao nghĩ tới mai sau thì thần tiên quá đi ấy chứ.
Sân kho hợp tác còn là sân chơi thứ hai của lũ chúng tôi sau cái sân trường. Ở đây chúng tôi tha hồ chạy nhảy, la hét, quần nhau đến mệt lử mà chẳng sợ bị ai la mắng, không như ở trong sân trường giờ ra chơi chỉ sợ làm gãy cây, rụng hoa thì chết. Vào kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian vui nhất của chúng tôi bởi khi này chúng tôi được đi sinh hoạt thiếu nhi với các anh chị phụ trách ở địa phương vào mỗi buổi tối. Cả sân kho hoạt náo, lung linh trong ánh trăng hè và những ngọn đuốc sáng rực lên giữa cánh đồng lộng gió. Chúng tôi tay trong tay ca hát, nhảy múa, cùng nhau vui chơi đến tận khuya...
Xa quê đã mười mấy năm trời. Cũng đã ghé chân nhiều nơi. Mỗi khi nhìn thấy thấp thoáng đâu đó bóng cây rơm và ngửi thấy mùi lúa mới là lòng tôi lại man mác nhớ về cái ký ức nhỏ nhoi này. Hình ảnh cái sân kho hợp tác lại hiện ra gần gũi và thân thuộc. Giờ đây chẳng tìm đâu thấy, mà có thấy thì cũng chỉ là những gì đổ nát, lạnh lẽo pha lẫn trong sự nuối tiếc, hoài cảm. Mảnh sân ký ức. Mảnh sân tuổi thơ. Mảnh sân thần tiên một thuở. Ngồi viết những dòng này trong tôi bây giờ như được ngửi thấy cái mùi ngai ngái, thơm thơm của rơm rạ, của những hạt thóc vãi ra từ tay người đập. Ước ao được một lần nằm dài trên mảnh sân kho hợp tác ngày xưa để thả hồn vào cái tình quê tha thiết...
Đầu năm 2011
Nguyễn Minh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét