Chọn cách đặt tên bài viết như trên, tôi
muốn liên tưởng đến câu chuyện dân gian mà ai cũng đã từng nghe. Ấy là
Hồ Chí Minh có hai người trợ thủ đặc biệt thân tín, văn võ song toàn,
một bên tả, một bên hữu. Văn thì có “Văn Đồng”; Võ thì có “Võ Giáp”.
Thật là một hình ảnh hết sức thú vị, nói lên một sự thật lịch sử, vừa
dân gian lại vừa đúng thực tế khiến người dân VN rất đỗi tự hào.
Tháng 5.1940, Hoàng Văn Thụ bố trí để Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sang TQ gặp Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên, ông Giáp gặp Hồ Chí Minh, còn ông Đồng đã gặp Hồ Chí Minh năm 1926 tại Quảng Châu. Cuộc gặp gỡ giữa Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh diễn ra tại Thúy Hồ, Côn Minh, TQ là một cuộc gặp gỡ lịch sử. Hồ Chí Minh nói với ông Đồng, trông chú không có gì khác trước. Còn chú này – Hồ Chí Minh chỉ ông Giáp, đẹp như một cô gái vậy.
Nói đến cái
đẹp của Võ Nguyên Giáp – một cái đẹp hoàn hảo từ con người đến nhân
cách, tôi chợt nhớ đến chuyến trinh sát Cao Bằng của ông chuẩn bị cho
chiến dịch Biên giới mà nhà văn Sơn Tùng đã mô tả rất hay qua tác phẩm Trái tim quả đất. Trên đường đi, một người cất giọng lễ phép:
- Ngày được học với thầy ở trường tư thục
Thăng Long, chúng tôi ngồi dưới lớp cứ khen trộm thầy đẹp, da trắng như
công chúa cấm cung. Nghe thầy giảng, chúng tôi cứ lịm người đi…
Trong đoàn tùy tùng của Đại tướng còn có
nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn cố giấu niềm xúc động mỗi khi nhìn Đại
tướng trong bộ đồ chàm Nùng, da rám nắng leo dốc, lội suối. Vượt qua
những đoạn đường đá dăm sắc cạnh, những gốc cây nhọn hay đám cỏ tranh
như những mũi kim châm, anh em dẫn đường phải đau chảy nước mắt, càng
thương Đại tướng có đôi chân đã vạn dặm quan san mà chưa hết lốt gót son
học trò.
Tại Thúy Hồ, Võ Nguyên Giáp nhận thấy ở
Hồ Chí Minh một sự điềm đạm, bình thản, thân thuộc như đã gặp từ lâu
rồi. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng Hồ Chí Minh nói xen vào những tiếng
địa phương miền Trung làm ông Giáp rất ngạc nhiên, vì Hồ Chí Minh xa
nước đã lâu ngày. Ông nghĩ, vĩ nhân bao giờ cũng giản dị.
Cùng ý nghĩ đó, trong tác phẩm Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, Phạm Văn Đồng viết: “Bình
sinh, Hồ Chủ tịch là người giản dị, lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao
giờ cũng giản dị, lão thực. Đã cầu kỳ là thiếu bản lĩnh, cố làm trò để
đánh lừa thiên hạ và hậu thế”. Có thể nói, Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc là
tác phẩm đầu tiên viết về Hồ Chí Minh hay nhất. Không như Tố Hữu, đôi
lúc ca ngợi thái quá thành ra thần thánh hóa lãnh tụ, ngòi bút của Phạm
Văn Đồng về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đầy chiều sâu tư
tưởng, lay động tâm hồn chúng ta.
Sau này, là một nhà nghiên cứu có uy tín rất lớn về Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đã viết một loạt tác phẩm: Hồ
Chí Minh – một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp; Hồ
Chí Minh, quá khứ, hiện tại và tương lai; Hồ Chí Minh và con người Việt
Nam trên con đường dân giàu nước mạnh…
Hồ Chí Minh cũng dành cho hai người học
trò, hai trợ thủ đặc biệt của mình những tình cảm vô cùng thân thiết.
Phạm Văn Đồng kể lại, “một lỗi lầm của tôi có ảnh hưởng không hay đến
một việc Bác dự định làm. Mặc dù vậy, Bác chỉ nói với tôi vẻn vẹn một
câu: “chú làm hỏng việc”. Chính thái độ này là một bài học mãi mãi ghi
sâu trong ký ức tôi”. Hai người cùng sống trong Chủ tịch phủ, thường ăn
cơm với nhau, sáng ra đã nhìn thấy nhau. Hồ Chí Minh còn có ý định dành
một phòng trong nhà sàn cho Phạm Văn Đồng, vì ông có nỗi đau riêng trong
cuộc sống gia đình.
Võ Nguyên Giáp sống tại ngôi biệt thự cổ,
số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Hồ Chí Minh gọi Võ Nguyên Giáp một cách thân
thiết, trìu mến mà thâm thúy: chú Văn. Lại nói: “Chú đã có Văn, giờ cách
mạng cần có Võ, chú nghiên cứu Võ hơn nữa”.
Nhà văn Sơn Tùng kể lại, một tối, Hồ Chí
Minh đến thăm nhà ông Giáp. Giữa câu chuyện, Hồ Chí Minh bỗng quay sang
chị Bích Hà cũng đang ngồi đó:
- Có phải không cô Hà, nghe nói chú Văn chịu khó tập đàn? Sao không đánh thử Bác nghe?
Hồ Chí Minh là người am hiểu văn chương,
nghệ thuật, là bạn thân của những danh họa Picatso, nhà điện ảnh Giôrít
Iven, văn hào Erenbua, Hăngri Bácbuýt… Một dịp quý hiếm biết bao. Ông
Giáp ngồi vào trước cây đàn piano, trước hết chơi bản hùng ca quen
thuộc: Chiến thắng Điện Biên. Hồ Chí Minh lắng nghe, xúc động. Cây đàn lại ngân tiếp bài Sonatin của Beethoven, Trống cơm, Trẩy hội đêm rằm…
Hồ Chí Minh nghe rất thích thú. Tiếng đàn vừa dứt, Hồ Chí Minh tươi cười:
- Chú đánh hay đấy…nhưng mà…chú đã đánh được bài Kết đoàn chưa?
Một thoáng bối rối, như bị đột kích bất ngờ rồi Đại tướng tươi cười thưa thật với Bác:
- Dạ, chưa.
Hồ Chí Minh còn cười tươi hơn nữa:
- Đánh giặc, chú đã đánh cả trận to lẫn trận nhỏ. Đánh đàn chú phải đánh cả bài khó lẫn bài dễ mới là giỏi. Bài Kết đoàn ai cũng hát, chưa đánh được bài Kết đoàn thì chưa giỏi…
Có ngờ đâu vào buổi tối mùa thu này, ông
đành chịu lỗi với Hồ Chí Minh, vì một lẽ đơn giản là chưa có ai viết bài
hát nhỏ bé ấy cho đàn piano.
Tình cảm của ba người thật vô cùng thân
thiết. Có thời gian, nghe tin Hồ Chí Minh đã mất trong nhà tù Tưởng Giới
Thạch, hai ông hết sức lo lắng, dò hỏi khắp nơi. Cho đến khi nhận được
nét bút nhắn tin Hồ Chí Minh gửi về trong một tờ báo, hai ông vô cùng
mừng rỡ, khi đó mới thoát khỏi cái cảm giác bơ vơ. Ngày 2.9.1969, Võ
Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng đều có mặt bên giường cấp cứu Hồ Chí Minh.
Người ta thấy, Võ Nguyên Giáp còn nhoài người xoa ngực cho Hồ Chí Minh
vào những giây phút cuối cùng…
…Vào tuổi 14, Võ Nguyên Giáp ra Huế học
tại Trường Quốc học. Một hôm, Nguyễn Chí Diểu đưa cho Võ Nguyên Giáp tấm
chân dung Nguyễn Ái Quốc đội mũ phớt (tôi bỗng nhớ đến hình ảnh ông
Giáp đội mũ phớt duyệt đội quân danh dự sau ngày Cách mạng thành công),
đôi mắt nhìn xa thăm thẳm. Tâm hồn hoa niên của Võ Nguyên Giáp bừng
sáng: Nguyễn Ái Quốc!…Nguyễn Ái Quốc!… Nguyễn Ái Quốc!…Bỏ lại sau lưng
tất cả, ông ra đi tìm Nguyễn Ái Quốc, cho đến tháng 5.1940, ông đã gặp
Nguyễn Ái Quốc tại Thúy Hồ, Côn Minh như chúng ta đã nói tới. Đây cũng
là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc sử dụng cái tên Hồ Chí Minh cho cả quãng
đường sau này.
Tại vùng rừng núi phía Bắc, Hồ Chí Minh
chỉ đạo ông Giáp, ông Đồng hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở, suy nghĩ về
con đường giải phóng. Cuộc sống cực kỳ khó khăn, gian khổ, nguy hiểm.
Bằng thiên tài dùng người của mình, Hồ Chí Minh giao cho ông Giáp phụ
trách quân sự, ông Đồng phụ trách đối ngoại, hai ông phối hợp rất nhịp
nhàng. Tại trận Điên Biên Phủ, trong khi Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh
trực tiếp chỉ huy chiến dịch thì Phạm Văn Đồng là Trưởng đoàn VNDCCH tại
Hội nghị Geneve, khắc khoải chờ tin chiến thắng từ người bạn, người
đồng chí của mình. Rồi năm 1975, Phạm Văn Đồng là Chủ tịch Hội đồng chi
viện còn Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh chỉ đạo toàn bộ giai đoạn sau
cùng của cuộc chiến. Hai ông đều am hiểu và ưa thích văn học, nghệ
thuật, khoa học kỹ thuật, quan tâm các nhà văn, nhà báo, các nhà khoa
học…Và dĩ nhiên, hai ông là bạn thân thiết của nhau.
Năm 2000, khi Phạm Văn Đồng về với Hồ Chí
Minh, nhà thơ Việt Phương có viết, anh Tô gặp Bác, chắc Người sẽ nói:
trông chú không có gì khác trước.
Giờ đây, Võ Nguyên Giáp lại về với Hồ Chí Minh, chắc Bác lại gọi “chú Văn” một cách trìu mến như xưa.
Và giờ đây, ba nhân vật sáng chói nhất trong lịch sử VN hiện đại chắc đã gặp nhau ở đâu đó trong cõi Phật…
(Ngày 6.10.2013 – những ngày tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Theo Lê Mai blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét